Thursday, March 14, 2013

Herbalife


Một buổi chiều mùa đông năm 1998 ở Canberra, trên đường về ký túc xá sau một ngày học hành mệt mỏi tôi gặp một người đàn ông gầy gò có vẻ khá thân thiện. Sau khi bắt chuyện ông ta hỏi tôi có muốn vừa học vừa làm thêm kiếm tiền không, nếu muốn đến nhà ông ta dự một buổi seminar về phương thức kiếm tiền. Vài ngày sau, mất gần 2 tiếng đi xe bus, tôi đến nhà của người đàn ông này và gặp 4-5 người khác ở đó. Sau khi đã yên vị chúng tôi được chủ nhà cho xem một đoạn băng video về một sản phẩm sức khoẻ rất hấp dẫn, lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Herbalife. Sau khi xem video và được người đàn ông đó giải thích về sản phẩm, cách thức bán hàng, ăn chia commission, và nhất là lợi ích của việc tuyển mộ thêm những người bán hàng dưới mình, lần đầu tiên tôi biết về phương thức bán hàng như vậy.

Giấc mơ giàu sang như hình ảnh những sale leaders của Herbalife trong đoạn video được xem trước đó làm tôi quên hết cảm giác đói lạnh trên đường về ký túc xá. Trong đầu tôi lúc đó tràn ngập kế hoạch sẽ bán sản phẩm Herbalife như thế nào, thậm chí còn cố điểm mặt trong số bạn bè mình những ai "cần giảm cân" để tiếp cận trước. Nhưng quãng đường dài về ký túc xá cũng có cái lợi, những cú xóc của xe bus lôi tôi về thực tại với một tập tài liệu của Herbalife trên tay. Xem lại những tài liệu này tôi bỗng nhận ra rằng để được trở thành một sale person của hệ thống bán hàng Herbalife tôi phải bỏ ra gần $600 mua trước hơn chục hộp sản phẩm, số tiền đó hơn 2/3 một tháng học bổng của tôi lúc đó. Càng đọc tôi càng thấy viễn cảnh kiếm tiền của mình xa vời, sản phẩm Herbalife quá đắt ngay cả nếu tác dụng của nó đúng như quảng cáo. Với "khách hàng tiềm năng" của mình chủ yếu là sinh viên tôi nhận thấy khó có thể móc hầu bao của họ $100-200/tháng chỉ cho mục đích giảm cân.

Về nhà trấn tĩnh lại rồi đọc kỹ các số liệu tôi lờ mờ hiểu rằng thực ra thu nhập của các sale person chủ yếu là từ con số bán $600 sản phẩm ban đầu cho những người sau mình trong chuỗi bán hàng. Ai cũng sẽ tặc lưỡi bỏ ra $600 để hi vọng sẽ giàu có như những sale leader trong video quảng cáo chứ thực ra không dễ bán được sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng với mức giá trên trời như vậy. Lên mạng search (lúc đó mới có Yahoo chứ chưa có Google) tôi lần mò ra thuật ngữ "pyramid scheme" và phát hiện ra rằng hình thức bán hàng này đã bị một số nước cấm. Suy đi tính lại tôi quyết định không lao vào con đường kiếm tiền này nữa. Tôi không rõ luật của Úc có cấm pyramid scheme không nhưng Herbalife đã không thể bành trướng thị trường ở đây, tôi không còn nghe nói đến Herbalife nữa cho đến gần 15 năm sau.

Đầu tháng 5/2012, David Einhorn, một hedge funder khá nổi tiếng đồng thời là một poker player có hạng (tôi đã có lần đề cập đến trên blog này), bỏ một quả bom tấn trong buổi công bố kết quả kinh doanh qua điện thoại (earning conference call) của Herbalife, lúc này đã niêm yết trên NYSE (HLF). Giữa buổi họp Einhorn yêu cầu ban giám đốc Herbalife công bố số liệu bán hàng phân chia rõ tỷ lệ bán nội bộ cho các sale person của mình so với bán ra ngoài cho người tiêu dùng cuối cùng. Einhorn trước đó rất nổi tiếng qua hai vụ short thành công Lehman Brothers và Green Mountain Coffee nên chỉ vài phút sau khi Einhorn phát biểu HLF rớt gần 20%, giới traders hiểu ngay rằng HLF đã bị Einhorn short trước đó. Tại sao chỉ một câu hỏi (thực ra Einhorn hỏi 3 câu nhưng câu hỏi nói trên quan trọng nhất) mà HLF bị mất 2 tỷ USD market cap chỉ trong mấy phút?

Theo luật Mỹ pyramid scheme bị cấm nhưng Herbalife tuyên bố cách thức bán hàng của họ không phải pyramid scheme (PS) mà là multi-level marketing (MLM). Cả hai hình thức này đều cho phép sale person được hưởng phần trăm từ doanh số của những sale person dưới họ, nghĩa là những người mà họ tuyển dụng được. Tuy nhiên trong trường hợp PS, như tôi đã từng nghi ngờ năm 1998, lượng hàng thực sự được bán ra cho người tiêu dùng cuối cùng rất ít, chủ yếu sản phẩm được những sale person ở cấp thấp hơm mua với hi vọng họ sẽ tuyển dụng được một mạng lưới sale bên dưới họ. Với MLM lượng hàng bán ra chủ yếu cho người tiêu dùng cuối cùng, do vậy lực lượng sale dù có phải bỏ tiền ra mua một lượng hàng ban đầu nhưng họ có thể quay vòng vốn của mình chứ không chỉ trông chờ vào hệ thống sale bên dưới tiếp tục phát triển. Câu hỏi của Einhorn về bản chất là buộc HLF phải công bố số liệu chứng minh rằng họ là một MLM chứ không phải PS vì nếu không HLF sẽ phải đóng cửa.

Mặc dù quả bom của Einhorn gây tiếng vang vào tháng 5/2012 và hedge funder này chắc đã kiếm được kha khá từ vụ short sell đó, cái tên Herbalife chỉ thực sự bùng nổ sau đó 6 tháng với hàng loạt tên tuổi lớn của giới hedge fund tham chiến. Thực ra không chỉ Einhorn "đánh hơi" thấy điểm yếu của HFL mà trước đó vài tháng một hedge funder khác nổi tiếng không kém là Bill Ackman đã âm thầm short sell gần 1 tỷ USD cổ phiếu HLF. Ackman dốc gần như toàn bộ đội ngũ của mình cùng với hai công ty luật và một số accountant chuyên về điều tra để nghiên cứu mô hình kinh doanh của HLF. Cũng trong năm 2012 Jim Chanos, một chuyên gia short sell lừng danh khác, đã bí mật short sell HLF nhưng không ai biết với số lượng bao nhiêu. Cuối năm 2012 Whitney Tilson, bạn học của Ackman ở HBS và là đồng sáng lập Value Investing Congress - một diễn đàn quan trọng bậc nhất cho giới đầu tư giá trị, công bố cũng đang có short position cổ phiếu của HLF. Tất nhiên bốn hedge funders này không hề nói họ "thông đồng" với nhau nhưng cũng khó tin cả bốn đã "tình cờ" short HLF trong năm 2012.

Chiến thuật của giới short sellers rất đơn giản. Sau khi đã âm thầm short sell một công ty nào đó (vay cổ phiếu rồi bán, hoặc mua CDS nếu mục tiêu là công ty lớn) họ lên TV, báo chí, hoặc một diễn đàn, hội thảo công bố những nghi ngờ về số liệu hoặc rủi ro kinh doanh của công ty mục tiêu. Thông tin này càng được phổ biến rộng thì càng có nhiều investor khác lo ngại bán tháo số cổ phiếu mà họ đang nắm giữ, tiếp tục gây sức ép mất giá lên cổ phiếu đó. Einhorn nổ phát pháo đầu tiên vào tháng 5/2012, Ackman tiếp tục vào tháng 12, Tilson công bố vài ngày sau đó. Chanos úp mở mình đã short sell HFL tháng 3/2013, mặc dù tiết lộ rằng mình đã đóng hết position nhưng vẫn nói thòng một câu là HLF có mô hình kinh doanh không bền vững và Ackman phân tích đúng. Không chỉ dừng ở việc công bố thông tin, Ackman còn lên tiếng yêu cầu SEC và FTC vào cuộc thanh tra và xác định HLF có phải là một PS hay không. Với một công ty bình thường có market cap xấp xỉ 8 tỷ thì 4 cú đánh liên hoàn của 4 hedge funder nổi tiếng có tổng tài sản hàng chục tỷ dễ dàng hạ gục. Nhưng Herbalife không/chưa chết.

Giới short sellers luôn luôn là kẻ thù của các CEO và không nhận được mấy thiện cảm từ public nói chung. Tuy nhiên có những so sánh short sellers với chó sói trong tự nhiên, tàn bạo, lạnh lùng "làm thịt" những con thú ốm yếu chậm chạp nhất nên gián tiếp giúp "làm sạch" bộ gene của bầy đàn sống sót. Chanos đã lật tẩy Enron, Einhorn chỉ ra cho cả thế giới biết Lehman đã quá rủi ro, Ackman phản đối lại AAA rating của MBIA, những hành động này đều vì mục đích đầu cơ kiếm tiền nhưng đã góp phần làm trong sạch nền kinh tế thị trường chưa bao giờ có đủ độ minh bạch. Nhưng cũng giống như chó sói, ngoài những "chiến công vang dội" lật tẩy những vụ gian dối, lừa đảo từ phía các công ty, giới short sellers đã giết không ít những con cừu non vô tội hoặc những con thú khỏe mạnh nhưng chẳng may lỡ bước. Bởi vậy giới CEO/CFO kinh nghiệm phải có những biện pháp chống lại bị short sell.

Một trong những vũ khí hiệu quả nhất là thực hiện share buyback. Khi cổ phiếu của công ty bị "đãnh xuống", buyback có 3 tác dụng quan trọng. Thứ nhất nó làm giảm áp lực bán từ phía short sell, nghĩa là tăng cầu cho cổ phiếu trên thị trường. Thứ hai nó là tín hiệu trấn an các nhà đầu tư khác rằng công ty vẫn còn tiềm lực. Các nhà đầu tư khi thấy công ty thực hiện buyback cũng có thể kết luận rằng giá cổ phiếu lúc này đang "rẻ", bởi vậy bản thân họ có thể cũng tăng mua thêm. Thứ ba, khi công ty thực hiện buyback số cổ phiếu tự do (free float) trên thị trường giảm xuống sẽ gây khó khăn cho phía short sell tìm vay cổ phiếu để tiếp tục tấn công (sẽ nói thêm điểm này bên dưới). Tất nhiên để có thể thực hiện share buyback công ty bị tất công phải có strong cash flow hoặc phải có khả năng vay mượn cash từ một nguồn nào đó (banks, investors). Herbalife là một công ty có strong cash flow.

Chắc chắn cả 4 short sellers nói trên đều biết HLF sẽ phản công lại bằng share buyback, đội ngũ analysts của họ không thể không nghiên cứu kỹ cash flow của HLF. Tuy nhiên trong số 4 short seller đó, không kể Tilson có position nhỏ, Einhorn và Chanos đã "ăn non" khi short sell rồi "take profit" ngay trong năm 2012, chỉ mình Ackman kiên quyết giữ short position. Ackman tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng vì Herbalife là PS chứ không phải MLM, do đó regulator sẽ đóng cửa công ty này và share price sẽ về zero (Ackman lập hẳn một website đưa ra các bằng chứng kết án Herbalife là một PS). Mặc dù phân tích của Ackman rất thuyết phục, John Hempton, một short seller nổi tiếng khác cho rằng Ackman đã mắc sai lầm khi hi vọng regulator sẽ đóng của Herbalife. Công ty này đã tồn tại hàng chục năm trước mũi các regulator và đã từng bị kiện nhiều lần nhưng đều thoát. Ngay cả nếu Ackman đúng, SEC hoặc FTC có thể phải mất hàng năm trời điều tra và ra quyết định cuối cùng. Trong thời gian đó Ackman sẽ phải chống trọi với dòng cash flow rất mạnh của HLF, và không chỉ HLF.

Trong số các short sellers tiếng tăm, John Hempton có lẽ là người đầu tiên sử dụng blogosphere rất hiệu quả để triển khai các cuộc tấn công short sell của mình, điển hình như vụ Sino Forest và Focus Media, 2 công ty TQ niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Khi Hempton phân tích trên blog và ví von cuộc chiến giữa HLF và Ackman như trận Stalingrad, với hàm ý một bên sẽ bị nghiền nát, Hempton đưa ra 2 lập luật rất mạnh hòng chứng minh kế hoạch short sell của Ackman sẽ thất bại. Thứ nhất, như đã nêu bên trên, Herbalife có cash flow rất mạnh, chắc chắn sẽ thực hiện share buyback chống lại Ackman. Thứ hai, Hempton đi thực địa đến tận một Herbalife nutrition club ở một khu phố nghèo của NYC để chứng minh rằng Herbalife không phải là PS. Một loạt blog posts, trả lời phỏng vấn TV, báo chí của Hempton chẳng phải chỉ để chứng minh sai lầm của Ackman và bênh vực HLF, nhiều khả năng Hempton đã mua cổ phiếu HLF, nghĩa là đối đầu trực diện với Ackman trong cuộc chiến này. Nhưng nếu chỉ mình Hempton đứng về phía HLF thì Ackman không ngại, dẫu sao Bronte Capital của Hempton chỉ là một hedge fund nhỏ ở Sydney, còn xa mới có khả năng dồn Ackman vào chân tường.

Tuy nhiên không chỉ một mình Hempton cho rằng Ackman đã phân tích sai, Dan Loeb, một hedge funder tên tuổi khác đưa ra một lý do vô cùng quan trọng chống lại Ackman. Theo Loeb, HLF có tới 80% thu nhập từ bên ngoài Mỹ, do vậy ngay cả nếu SEC hoặc FTC bắt HLF đóng cửa thì công ty này vẫn không chết. Cũng giống Hempton, Loeb cho rằng balance sheet của HLF rất strong, tăng trưởng của công ty này trong những năm gần đây rất tốt, dividend payout rất cao và ổn định. Với một công ty như vậy  shareholders sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định bán số cổ phần của mình chỉ vì những "bằng chứng" không mấy thuyết phục của Ackman. Mấy ngày sau khi Ackman công bố đã short sell 20% cổ phiếu HLF, Dan Loeb tiết lộ đã mua vào 8.2%.

Hedge funder thứ ba chống lại Ackman là Bob Chapman. Không những nghi ngờ lập luận của Ackman rằng regulator sẽ điều tra và đóng cửa HLF, Chapman đưa ra một tài liệu của chính FTC năm 2004 kết luận rằng chỉ dựa vào số lượng sản phẩm bán trong nội bộ chưa đủ để kết luận HLF là  một PS. Trong khi Ackman khăng khăng cho rằng mình short sell HLF vì muốn xoá sổ một công ty đang lừa đảo hàng triệu người tham gia vào hệ thống phân phối của nó trên toàn thế giới, thậm chí Ackman "hứa" sẽ donate phần lợi nhuận của mình trong vụ short sell này cho charity, Chapman chỉ ra bằng chứng cho thấy Ackman có thể cũng chỉ có ý định "lướt sóng" chứ không phải sẽ giữ position đến khi giá cổ phiếu HLF về zero. Thời điểm Ackman công bố short sell rất gần với Christmas là lúc liquidity trên thị trường rất thấp, do vậy dễ bề làm giá HLF sụp đổ. Chapman không công bố đã mua vào bao nhiêu cổ phiếu của HLF mà chỉ nói mình có một "monster position".

Cả Hempton, Loeb, và Chapman, dù có thể không ưa Ackman trong quan hệ cá nhân, trade chống lại Ackman chủ yếu vì họ nhận thấy đây là một cơ hội kiếm tiền rất tốt. Trong khi đó, Carl Icahn, một huyền thoại trong giới đầu tư (đã từng sang VN mấy năm trước), đã mua đến 14% cổ phiếu HLF có lẽ vì đã từng có "ân oán" với Ackman trong quá khứ. Năm 2011 Icahn thua Ackman trong một vụ kiện kéo dài 9 năm, Ackman có thể đúng về lý nhưng không đúng về tình. Mặc dù số tiền phải trả cho Ackman rất nhỏ so với tài sản của Icahn (9 triệu so với 20 tỷ), Icahn đã mất mặt trong giới hedge fund vì mang tiếng không giữ lời. Do đó đây là một cơ hội rất tốt để Icahn trả thù mặc dù Icahn "chối" vụ mua HLF này chỉ vì mục đích kinh doanh chứ không phải tư thù. Tuy nhiên khi Icahn tuyên bố Ackman sẽ phải đối mặt với "mother of all short squeezes" thì ai cũng hiểu lợi nhuận đối với Icahn trong vụ này chỉ là thứ yếu.

Giới short seller sợ nhất hai từ "short squeeze". Khi một lượng lớn cổ phiếu bị short sell nhưng vì một lý do nào đó giá lại tăng lên, short seller có thể buộc phải thanh lý position của mình để cắt lỗ. Vì họ phải mua vào để trả lại số cổ phiếu đã vay, giá sẽ tiếp tục tăng lên và "squeeze" những short position còn lại. Một điểm rất nguy hiểm nữa của short squeeze là khi một số short position phải thanh lý, lượng cổ phiếu có thể mua bán trên thị trường (free float) giảm xuống gây khó khăn cho những short seller mới nhảy vào thị trường. Trong trường hợp HLF lãi suất phải trả để vay cổ phiếu này cho short sell đã có lúc tăng vọt từ 1%/năm lên 7%, chứng tỏ free float giảm mạnh. Tất nhiên free float giảm vì bản thân Herbalife buyback, nhưng vai trò của Icahn có lẽ rất quan trọng. Không chỉ mua vào cổ phiếu HLF như những nhà đầu tư bình thường, Icahn chắc chắn sẽ giữ số cổ phiếu đó lại không cho các short seller vay, gián tiếp tăng áp lực short squeeze lên short position của Ackman.

Không chỉ dừng lại ở đó, Icahn sau khi trở thành cổ đông lớn nhất của Herbalife đã đưa người của mình vào HĐQT và đánh tiếng sẽ "take private" công ty này. Icahn nổi danh trong quá khứ là một "corporate raider" với nhiều vụ leverage bailout (LBO) tiếng tăm. Bởi vậy Icahn sẽ không khó có thể thuyết phục board của HLF thực hiện LBO để biến công ty này thành một private company (không bán cổ phiếu ra thị trường) và delisted khỏi NYSE. Nếu phương án này xảy ra Ackman sẽ lỗ nặng vì Icahn có thể đẩy giá cổ phiếu HLF lên trời. Tuy nhiên một khi đã take private Icahn sẽ phải chịu mọi rủi ro nếu Ackman thuyết phục thành công SEC hoặc FTC rằng HLF là một PS. Và đó chính là điều Ackman đang làm. Ngày 12/3 vừa rồi National Consumers League, một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng lớn của Mỹ đã lên tiếng yêu cầu FTC phải điều tra cáo buộc HLF là một PS. Không khó đoán Ackman đứng đằng sau tổ chức này.

Có lẽ tiếng nói của NCL chưa đủ, một luật sư ở NY đại diên cho 50 cá nhân khác vừa đứng ra kiện 3 ngân hàng lớn với tội danh tiếp tay cho HLF thực hiện PS. Luật sư này yêu cầu 3 ngân hàng BoA, JPM, và Wells Fargo không được cho HLF vay nữa đồng thời cũng kiện Icahn đã support cho HLF chỉ vì lý do tư thù cá nhân. Tất nhiên vụ kiện này sẽ không đi đến đâu nhưng nó là cách để phe Ackman hù doạ investor và gây sức ép lên SEC/FTC. Nhưng Icahn không phải tay mơ, một luật sư khác đã chính thức khởi kiện JP JCPenny, một chuỗi bán lẻ mà Ackman là cổ đông lớn, cáo buộc công ty này default một số trái phiếu. Vụ JP JCPenny đang lùm xùm mấy ngày nay, chắc chắn sẽ phân tán lực lượng và tiền bạc của Ackman, chưa kể không loại trừ khả năng Icahn đã short sell cổ phiếu của công ty này để tấn công Ackman cùng lúc trên hai mặt trận.

Ở thời điểm này giá cổ phiếu của Herbalife vẫn quanh quẩn $38-40, chỉ thấp hơn một chút so với thời điểm Ackman công khai short position ngày 20/12. Số phận của công ty này và kết cục cuộc chiến Ackman-Icahn thế nào chưa rõ. Ackman short 20 triệu cổ phiếu đối lại Icahn long 14 triệu, Loeb long 8 triệu, Chapman và Hempton không công bố nhưng ít nhất cũng phải 1-2 triệu nữa. Cán cân đang nghiêng về phe Icahn, Ackman chỉ còn hi vọng HLF bị SEC/FTC kết luận là PS. Cá nhân tôi, dù không thích tính cách của Ackman, mong muốn phe short sell thắng. Tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận của Chanos rằng dù Herbalife là PS hay MLM, mô hình kinh doanh này không nên tồn tại. Một công ty phải làm ăn dựa trên sản phẩm tốt và có ích cho xã hội chứ không nên dựa vào lòng tham và sự ngây thơ của đội ngũ bán hàng.

Đầu năm nay khi đến nhà một người bạn ở Melbourne tôi thấy 2 lọ thuốc (hay thực phẩm chức năng gì đó) có nhãn Herbalife. Nhìn kỹ thì thấy trên nhãn hộp có rất nhiều chữ tiếng Việt, hoá ra bạn tôi mua từ VN sang. Tất nhiên bạn tôi không có ý định trở thành distributor cho HLF, nhưng tôi tin rằng có rất nhiều bạn sinh viên, bà nội trợ ở VN đã và đang bị HLF lôi kéo vào hệ thống bán hàng của họ như tôi 15 năm trước. Có thể đã có khá nhiều người tiêu dùng VN và những distributor của HLF ở VN đang đóng góp vào 80% revenue của công ty này. Mong rằng những ai đã và sẽ tiếp xúc với HLF tỉnh táo. Ước mong làm giầu không xấu nhưng hãy kiếm tiền bằng lao động và trí óc của mình, đừng trông chờ người khác kiếm tiền về cho mình. Ước mong khoẻ mạnh, giảm cân rất tốt, nhưng hãy tập luyện thể thao, ăn uống, sinh hoạt điều độ chứ đừng tin vào những viên thuốc thần dù là Herbalife hay bất kỳ nhãn hiệu nào khác.


Update (30/4/2014): Mặc dù số phận của Herbalife và cuộc chiến long-short cổ phiếu này vẫn chưa kết thúc, WSJ cho biết Bill Ackman đã chủ động gọi điện xin lỗi Karl Icahn, chấm dứt mối hiềm khích hơn một thập kỷ giữa hai PE manager nổi tiếng này.


36 comments:

  1. ở Việt Nam người ta có từ “bán hàng đa cấp” để chỉ kiểu bán các loại mỹ phẩm và thực phẩm chức năng như thế này, có lẽ là dịch từ chữ “multi-level marketing”, nhưng thường thì người ta tỏ vẻ hơi “kì thị” khi nhắc đến “bán hàng đa cấp” nên chắc nó mang nghĩa của “pyramid scheme” nhiều hơn.
    Sinh viên ở Việt Nam mình cũng có nhiều bạn tham gia scheme này. Những “triệu chứng” mà chú Giang kể khá giống với những gì cháu nghe được từ bạn bè, nói chung là sau khi đến và được nghe thuyết trình, xem video xong thì ai ai cũng ôm mộng giàu sang. Sau khi nhắm mắt đưa chân mới biết “mình đã bị lừa, và cách duy nhất để thu hồi vốn (thậm chí phát tài) là lừa người khác giống như cách mình vừa bị lừa”.

    ReplyDelete
    Replies
    1. nhưng dù sao thì cũng kiên nhẫn đợi phần "còn tiếp" của chú Giang vì có lẽ nội dung chính của bài này là việc "hàng loạt tên tuổi lớn của giới hedge fund tham chiến" chứ không phải là MLM hay PS.

      Delete
  2. Suy cho cùng, tất cả mọi sản phẩm đa cấp có chất lượng nhất định và giá cả cao hơn so với sản phẩm tương đương trên thị trường truyền thống đều là đánh vào lòng tham của người tham gia. Mức độ đặt giá càng cao hơn so với sản phẩm tương đương trên thị trường chứng tỏ tính "hút máu" của mô hình kinh doanh đa cấp đó càng lớn, tính lừa đảo càng cao. Động lực tiêu dùng được thúc đẩy bằng lòng tham và sự "bị thúc ép" thì rõ ràng là lừa đảo. Ở tất cả các mô hình kinh doanh đa cấp ở VN đều hầu như sử dụng phương pháp "nhồi sọ lượng thông tin đồ sộ trong thời gian ngắn và ép buộc đưa ra quyết định ngay trong lúc đầu óc chưa kịp đánh giá thông tin mà chỉ có cảm nhận mặt ngoài một cách cơ bản", có thể tạm nói đây là một phương pháp thôi miên bằng cách đẩy đầu óc người ta rơi vào trạng thái không tỉnh táo rồi thúc đẩy họ làm việc mình muốn.

    ReplyDelete
  3. Bài của anh Giang hay và hấp dẫn quá, chờ được đọc tiếp phần sau. Cám ơn anh và chúc anh luôn khỏe.

    ReplyDelete
  4. Bài của anh Giang hay và hấp dẫn quá, chờ được đọc tiếp phần sau. Cám ơn anh và chúc anh luôn khỏe.

    ReplyDelete
  5. Một lần, cách đây 4 năm, mình cũng được cô bạn đồng hương dẫn tới tham dự buổi nói chuyện của sale person sau khi được cô ấy marketing rất hay. Bạn hãy tưởng tượng những buổi đọc Kinh Thánh tại một nhà thờ lớn như Nhà Thờ Đức Bà chẳng hạn, ở đây cũng khá giống như vậy. Nghĩa là, người nghe như những con chiên ngoan đạo
    Thành thật mà nói, sale person ngày hôm đó rất thành công trong việc thúc đẩy động lực kiếm tiền trong bạn. Nhưng may mắn, trước đó tôi đã đọc không ít sách làm giàu nên cũng không có nhiều ngỡ ngàng như nhiều bạn khác.
    sau buổi nói chuyện,tôi được bạn mình dẫn tới một khu riêng, nơi có những bàn tròn và những người trẻ tuổi ngồi vây quanh đó. Nơi đây khá ồn ào, tỷ lệ thanh niên ăn vận giống công sở không dưới 70%, gặp nhau là bắt tay, hầu hết đều có túi xách và hầu như bạn đều nghe thấy chữ "tiền" và "thăng cấp". Ở đây khá giống với quán cafe của Edward Lloyd’s trước đây khi tôi được học về môn bảo hiểm.
    Tôi được nói chuyện với một anh chàng có thân hình nhỏ bé nhưng giọng nói thì rất năng khiếu. Điều làm tôi bất ngờ đó là, không nhìn sách vở gì trên tay mà sao anh ta lại nói năng hoàn hảo đến thế. Tiếc cho anh ta là, bộ não của tôi như có chất kháng các loại vô lý đó.
    Tôi chào bạn mình rồi ra về trong khi bạn tôi ở lại tiếp tục một cuộc bàn luận kinh doanh cấp cao hơn mà tôi không sao lãnh hội được.
    Hôm sau, tôi nói với bạn là đừng nên làm việc ở đó nữa. Bạn tôi không tin tôi và khăng cho đó là sự nghiệp tuyệt vời. Nó nói nhất định sẽ đưa sản phẩm dưỡng da và thực phẩm chức năng đó về với miền quê của mình_nơi mà bữa cơm hàng ngày vẫn đang là gánh nặng của các gia đình.
    Một năm sau tôi gặp lại bạn mình trong buổi thi học kỳ. Cô ấy trông mập hẳn lên và nói rằng đang cố gắng để được suất học bổng của trường. Thế là tôi vui mừng biết bao

    ReplyDelete
  6. Liên hệ với mình để được mua herbalife chính hãng nhé,bên mình chuyên cung cấp các sản phẩm này
    Mình tên dũng đt 09.84.031.505
    Giao ngay tại HN và tp.HCM
    website http://www.herbalifes.com.vn

    ReplyDelete
  7. bác Giang có nhớ tên cái post có link theo dõi tiền bailout money của U.S đi đến những đâu không ? Hay là từ khóa nào trong đó cũng được ?
    Cháu search thử nãy giờ mà không thấy!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi không nhớ, chắc là trong một trong những cai Links nào đó.

      Delete
  8. lần đầu tiên em được các bác MLM dụ dỗ là năm 2000, lúc vừa tốt nghiệp đại học. May mà em được học kinh tế chính trị, không thì bị lừa rồi.

    ReplyDelete
  9. Đọc bài của anh Giang xong mới thấy bên Mỹ có quá nhiều công cụ để đầu tư nếu có ý tưởng tốt. Bên VN bây giờ short-sell vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật.

    ReplyDelete
  10. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  11. Bên vanityfair hôm nọ cũng có 1 bài tổng hợp rất hay, cho bạn nào không đủ kiên nhẫn chờ anh Giang http://www.vanityfair.com/business/2013/04/bill-ackman-dan-loeb-herbalife

    ReplyDelete
  12. Chú Giang có thể tách các phần ra thành những post riêng cho độc giả cập nhật qua reader (như cháu) dễ theo dõi được không ạ? :-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tại tôi muốn cạnh tranh độ dài với bài của Vanity Fair :-)

      Delete
  13. Cám ơn chú tổng kết saga này. Năm qua cũng chỉ có vài saga hấp dẫn trong giới tài chính quốc tế. Nếu chú Giang có thời gian, chú có thể thông tin thêm về saga của Rothschild vs. Bumi Resources được không? Cháu không kịp theo dõi cả hai saga lớn này của năm 2012 nên rất tiếc. Cháu cám ơn!

    ReplyDelete
  14. Hình như anh Giang nhầm ạ, J.C Penny chứ không phải JP (như JP Morgan :D)

    ReplyDelete
  15. Bản chất của bán hàng đa cấp không xấu. Nó tạo ra giá trị dựa trên một trong những biện pháp marketing hiệu quả nhất ấy là "word of mouth". Chẳng hạn, nếu HB thay vì bán $600 một bộ sản phẩm ban đầu thì chỉ bán $60 hay thậm chí $6 thôi (vẫn giữ chất lượng như "$600"). Lúc ấy bác Giang và mọi người có lẽ sẽ không nhìn HB là "lừa đảo" nữa. Tuy nhiên cho đến thời điểm này mình chưa thấy công ty bán hàng đa cấp nào thực sự tao ra giá trị dựa trên phương thức này cả. Tất cả các sale person được tuyển dụng đều dựa trên viễn cảnh huy hoàng về lợi nhuận và hoa hồng. Nếu dựa trên lợi nhuận/hoa hồng là khởi điểm thì về căn bản hệ thống bắt đầu bằng "lừa đảo" rồi. Chỉ đến khi bán hàng đa cấp được bắt đầu bằng việc sale person được tuyển dụng và tham gia vì thấy đó là một sản phẩm tốt thực sự với mức giá mà bản thân nó là một value deal cho người dùng cuối cùng thì lúc ấy bán hàng đa cấp mới quay lại "chính đạo" được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đối với các hàng hóa đại chúng thì dùng mass media là phương pháp ngon bổ rẻ nhất còn word of mouth là phương pháp đắt nhất, và phương pháp này phụ thuộc vào uy tín của người nói rất nhiều. Do đó word of mouth chỉ hữu dụng cho một số thị trường ngách với đòi hỏi cao và rất khó đánh giá chất lượng sản phẩm nếu chỉ thông qua mass media, ví dụ như nhân sự bậc cao, giáo dục bậc cao ....

      Delete
  16. Bài rất bổ ích về short sell ạ. Có thể cơ sở lý luận của người short sell là đúng nhưng chưa chắc đã chiến thắng. Cảm ơn anh ạ.

    ReplyDelete
  17. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  18. Cám ơn chú về bài viết này ạ, cháu thì ko biết những sản phẩm của Herbalife thế nào nhưng đọc về cuộc chiến giữa các hedge funder thấy hấp dẫn quá :D

    ReplyDelete
  19. Bài viết hay và có nhiều thông tin hữu ích quá. Cảm ơn tác giả :)

    ReplyDelete
  20. LẦN ĐẦU GHÉ BLOG. CẢM ƠN BÁC ĐÃ CÓ NHỮNG BÀI VIẾT HAY
    Blog Khỉ Lùn

    ReplyDelete
  21. Phản hồi của một người bạn khi share bài này lên FB của cháu.

    Cám ơn bạn Tuấn Anh, bài viết trên khiến cho người đọc nghĩ rằng đây là sản phẩm không tốt, không có ích và kinh doanh dựa vào lòng tham và sự ngây thơ của đội ngũ bán hàng. Bản thân mình đã có sự tìm hiểu và tiếp xúc lâu dài với HBL, kể cả sử dụng cũng như tiêu dùng và có một vài chia sẻ liên quan đến phát biểu trên như sau:

    - Thứ nhất, HBL là MLM, không phải là PS. Cái này có thể kiểm chứng thông qua sơ đồ trả thưởng (marketing plan). Đây là mô hình kinh doanh hợp pháp, được cho phép tại VN. Nếu không hợp pháp đã không được cấp phép kinh doanh chứ đừng nói là được niêm yết trên sàn chứng khoán.

    - Thứ hai, bản thân mình và gia đình sử dụng thường xuyên sản phẩm này, bằng trải nghiệm bản thân và rất nhiều người mình biết thì sản phẩm thực sự hữu dụng, thỏa mãn nhu cầu khách hàng (nếu dùng đủ và đúng cách). Nếu sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu, hoặc có vấn đề gì về mặt an toàn…chắc chắn không thể tồn tại lâu đến như vậy trên thị trường, nhất là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

    - Thứ ba, có nhiều người tranh luận về mặt giá cả, cho rằng giá cả cao so với giá trị thực (giá trị sử dụng). Nếu hiểu rõ sơ đồ trả thưởng thì ý kiến trên sẽ bị suy yếu đi. Ngoài ra, việc giá sản phẩm cao hay thấp không phải vấn đề của kinh tế thị trường, tự bản thân các quy luật thị trường sẽ điều chỉnh. Thêm nữa, không nhất thiết giá cả phải xoay quanh giá trị thực. Rất nhiều sản phẩm khác có giá khác xa giá trị thực rất nhiều.

    - Thứ tư, về việc bán hàng, bất kì một người duy lý nào khi tham gia kinh doanh cũng đều vì mục tiêu lợi nhuận, mình đồng ý với bạn là các công ty bán hàng theo hình thức MLM đều có một bộ phận nhà phân phối khi tham gia kinh doanh mong muốn làm giàu nhanh chóng, tìm hiểu chưa kỹ thông tin, tuy nhiên số đó sẽ thất bại nhanh chóng với MLM. Riêng đối với HBL, điều đó lại càng đúng vì sơ đồ trả thưởng có tính đào thải rất mạnh, sản phẩm chăm sóc sức khỏe có những đặc trưng riêng, nếu tìm hiểu không kỹ sẽ không thể bán được hàng. Do vậy, sự phát triển của công ty không thể nói rằng là do sản phẩm không tốt, và đội ngũ bán hàng không có chất lượng.

    Trên đây là những ý kiến của mình, để các bạn tham khảo thêm và có cái nhìn khách quan hơn về MLM nói chung và HBL nói riêng. Rất mong nhận được những ý kiến phản hồi, đóng góp, chia sẻ mang tính xây dựng của các bạn!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn xem phần trả lời của tôi bên dưới.

      Delete
  22. hedge funder Là những người như thế nào ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Là những người rất giầu bạn à, nhưng không phải ai trong số họ cũng xấu :-)

      Delete
  23. "Bởi vậy Icahn sẽ không khó có thể thuyết phục board của HLF thực hiện LBO để biến công ty này thành một private company (không bán cổ phiếu ra thị trường) và delisted khỏi NYSE. Nếu phương án này xảy ra Ackman sẽ lỗ nặng vì Icahn có thể đẩy giá cổ phiếu HLF lên trời. "

    Xin chào bác Giang Lê,
    Cháu hơi thắc mắc một chút tại sao khi một cổ phiếu delisted lại có thể đẩy được giá lên cao ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dear chu Giang

      Truoc gio chau rat thich doc cac bài của chú,bài này rất hay về khia cạnh cac Hedge Fund đánh một công ty và đánh nhau để tim kiem loi nhuận, tuy nhien bài này hình như chú chưa tìm hiểu kỹ ve mo hinh kinh doanh cua HBL thì phải - theo thông tin trong bài thì chú chỉ mới nghe,nghien cứu...chứ chưa thực sự tham gia? Ve mo hình kinh doanh của HBL theo MLM/ DS ( Direct Sale )thì có lẽ ai tham gia thực tế thì mới tranh luận dựa trên thực tiễn, hơn là dựa trên báo chí viết về một khía cạnh của vấn đề. KD thì mục tiêu vẫn la lợi nhuận, và làm cách nàon để đưa hàng đến End user, theo cách truyền thống hàng từ nhà sx đến người tiêu dùng qua 3-4 cấp đại lý- mỗi cấp đại lý lợi nhuận trung bình 10%, còn theo MLM/ DS thì trực tiếp qua nhà phân phối, và hoa hồng trả cho nhà phân phối thay vì trả cho 4 cấp đại lý.v.v..và hoa hồng rất công bằng theo doanh số của distributor..rất công bằng...những ai tham gia thì mới hiểu cái vất vả trong nghành và công sức thực sự của NPP khi xây dựng mạng lưới kinh doanh thực sự và hệ thống khách hàng trung thành... Ngành nào cũng có tiêu cực và không nên nhìn tiêu cực trong nghành để kết luận về cả một mô hình kinh doanh thành công va giup dỡ nhiều người như MLM.

      Phong 0903 664 755

      Delete
    2. @ Vũ: Không phải delisted làm cổ phiếu lên giá mà taking private (nên sẽ delisted) là cách mà Icahn có thể squeeze toàn bộ cổ phiếu trên thị trường để triệt hạ Ackman.

      Delete
    3. @Phong: Tôi không biết mô hình kinh doanh của HLF ở VN như thế nào nhưng tôi biết rất rõ hình thức kinh doanh của họ ở Úc. Như tôi viết bên trên tôi đã đi dự seminar của họ và đọc rất kỹ cách thức phân chia commission của họ. Ít nhất trong buổi seminar tôi tham dự tôi thấy HLF cố tình đánh vào ước mơ làm giầu (nhanh và dễ) của những người tham gia vào chuỗi phân phối. Bill Ackman đưa ra nhiều bằng chứng tương tự ở Mỹ, vd hình ảnh quảng cáo những distributor thành công mua được xe Ferrari hay du thuyền.

      Về mặt sản phẩm Ackman chỉ ra rằng R&D expenditure của HLF gần như bằng không trong khi sản phẩm bán đắt hơn những competitor khác. HLF cũng không đưa ra được kết quả clinical trial nào (được FDA duyệt) chứng minh tính hiệu quả của sản phẩm của mình. Ngay cả Hempton, người chống lại Ackman, cũng thừa nhận sản phẩm của HLF không có nhiều tác dụng mà chẳng qua hệ thông phân phối (health clubs) giúp cho khách hàng có better life style.

      Tôi viết bài này với mục đích thuật lại cuộc chiến của các hedge fund, tuy nhiên với những gì tôi biết về HLF tôi không thể approve sản phẩm của họ được. Sorry nếu bài này làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bạn.

      Delete
  24. Bác Giang lê viết bài này hay quá,em hoàn toàn ủng hộ,thêm một thông tin nữa là các nhà phân phối herbalife có vị trí cao đã và đang bán phá giá ra để lãnh một khoản hoa hồng khủng,bán phá giá herbalife trong khi đó tuyên truyền rằng không được bán phá giá bằng chứng là chẳng ở đâu có doanh số herbalife cao như ở Việt Nam,herbalife vừa về Việt Nam mấy tháng đã có mấy chủ tịch rồi,trong khi đó ở thế giới có nhanh cũng phải mất 3-4 năm,nhà phân phối thì phải mua theo giá công ty thế thì chẳng phải là lừa đảo còn gì

    ReplyDelete
  25. Tôi một người đang có ý định kinh doanh Herbalife và đang đi tìm hiểu về nó 1 cách thật nghiêm túc để có quyết định cuối cùng, vì trước giờ tôi không mấy mặn mà với mô hình kinh doanh đa cấp. Tôi đã được một người bạn rất thân mời đến hội thảo của herbalife vài ba lần, đến các buổi chia sẻ tại nhà cũng vài ba lần, và mua sản phẩm cho tôi và gia đình sử dụng được 3 tháng đồng thời gian với việc tôi tìm hiểu và quan sát về herbalife. Tôi có những kết luận như sau:
    - Thứ nhất tôi đồng ý với mọi người là sản phẩm herbalife giá hơi cao nhưng với những giá trị về mặt sức khỏe mà sản phẩm đem lại thì tôi thấy rất xứng đáng. Điển hình là mẹ tôi bị chứng rối loạn giấc ngủ trong 10 năm qua thì bây giờ đã ăn, ngủ ngon hơn. Tôi và chị gái mặt nổi rất nhiều mun bọc thì bây giờ đã hết mọc thêm mụn mới và nếu tôi kiên trì tôi tin tôi sẽ có được gương mặt photoshop.
    - Thứ hai, tôi là một sinh viên kinh tế và đã từng có bài nghiên cứu khoa học về mô hình kinh doanh theo mạng ở Việt Nam và tôi biết herbalife cũng như amway là những công ty kinh doanh theo mạng chân chính. Nhưng khác với
    amway, herbalife không cần một hệ thống quá nhiều nhà phân phối tuyến dưới vì thu nhập của nhà phân phối chủ yếu là từ lợi nhuận bán lẻ. Không biết mọi người nghĩ sao nhưng riêng quan điểm cá nhân của tôi thì "nếu anh muốn có nhiều tiến thì anh phải bán nhiều hàng" như thế thì chắc chắn không phải lừa đảo rồi. Tôi bán hàng tôi có tiền thế thì sao gọi là lừa đảo?
    - Thứ ba, khi tham gia vào hệ thống này thì anh phải đăng kýbộ hồ sơ kinh doanh 417.000vnd để làm thẻ thành viên VIP để sử dụng sản phẩm được rẻ hơn(được chiết khấu 25%), tôi nghĩ điểu này cũng không quá đáng, đối với một sinh viên VN nói chi là những người đã có thu nhập . Tôi cũng đã đăng ký thành viên rồi vì tôi muốn cả nhà tôi được sử dụng sản phẩm rẻ hơn, đồng thời đó cũng là lời cam kết với chính sức khỏe của tôi và gia đình. Vì tôi thấy người VN mình chưa có thói quen chăm sóc sức khỏe chủ động, cứ chờ khi phát bệnh thì mới đi bệnh viện lúc ấy thì đã muộn. Tôi đã nhận ra điều này khi đi đến bệnh viện Ung Bướu và Chợ Rẫy và tôi tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ để tôi và gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất nơi bệnh viện như vậy.
    - Thứ tư, việc bán phá giá sản phẩm thì đâu đâu cũng có, ngay cả bản thân tôi cũng từng mua những sản phẩm được bán phá giá trên mạng và tôi tin các bạn cũng không ít lần như tôi.
    - Thứ 5, có một số người lên được vị trí chủ tịch khi công ty mới vào được 3 tháng. Đúng là có như vậy, vì họ đã bán herbalife từ 4, 5 năm trước rồi. Tức là họ đã lừa từ 4,5 năm trước rồi ak :)!
    Trên đây là những nhận định của tôi, một người đang tìm hiểu nghiêm túc về herbalife và đang có ý định kinh doanh. Nhưng sao khi đọc bài viết của bác Giang(mặc dù tơi đã đọc 1 bài phân tích y hệt như thế này trên báo nhưng ko có đoạn đầu) và những bình luận của mọi người thì tôi quyết định kinh doanh herbalife vì:
    - Thứ 1, cho tới bây giờ thì herbalife vẫn chưa chết nên tôi vẫn còn kịp để làm
    - Thứ 2, tôi thấy mọi người vẫn còn rất mơ hồ về herbalife vì vậy đó là 1 cơ hộ lớn cho tôi
    - Thứ 3, một người bạn bên Úc của tôi vẫn biết đến herbalife và sử dụng nó mỗi ngày dù bạn ấy chỉ là một tiếp tân nhà hàng
    Mong được cao nhân chỉ giáo thêm! Tuyền 01649663455

    ReplyDelete
  26. thông thường những người phản đối là những người ko trực tiếp tham gia vào, họ chỉ tìm hiểu thông qua người khác. ví dụ muốn kinh doanh một cửa hàng sữa thông thường, phải bỏ một lượng vốn rất nhiều, vài trăm triệu, để mua hàng với mức chiết khấu rẻ hơn, để bán có lợi hơn.mô hình truyền thống qua rất nhiều đại lý, , chi phí đến tay người tiêu dùng là quá cao. ví dụ mình có được thông tin là nguyên liệu làm nên 1 chai cocacola ở việt nam chỉ có 200 đồng, khi ra thành phẩm khoảng 1000đồng, nhưng khi ra đến tay người tiêu dùng là bao nhiêu/ khoảng 6-7 ngàn, thậm chí 10 ngàn. Còn mô hình MLM thì sao, khách hàng tiêu dùng có thể mua hàng với giá rẻ, giá gốc, người tiêu dùng như là một đại lý vậy,
    HBL là sản phẩm dinh dưỡng, cũng giống như các loại sữa bột dùng cho trẻ em, bổ sung dinh dưỡng cho mọi người.
    Còn về cách làm, mỗi nguwoowfi sẽ có những suy nghĩ riêng, có người chỉ nhìn thấy thành công qus dễ rồi bị mê hoặc, đến khi không làm nữa thì kêu bị lừa đảo, anh mua sản phẩm về, anh không đi bán, đi chia sẻ, chỉ ngồi ở nhà thì làm sao bán được hàng, công việc gì cũng cần phải làm việc, nhưng làm HBL thì họ có thể hưởng xứng đáng thành quả lao động, ai càng hăng say , càng có nhiều khách hàng thì họ càng có thu nhập tốt.
    Trong HBL vẫn có nhiều người làm không đúng, nhưng đó là số nhỏ, và họ sẽ bị đào thải.
    Về giá sản phẩm, không hề cao, thay thế một bữa ăn tương đương với một bữa ăn bình thường. Ví dụ ăn tô bún buổi sáng mất khoảng 25 ngàn, thì thay thế bữa ăn HBL đắt nhất cũng 33 ngàn, nếu biết cách mua rẻ hơn thì khoảng 15 ngàn.
    Cách bạn trước khi phán xét điều gì , hãy tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, và tìm hiểu trực tiếp. Công ty HBL đã tồn tại 34 năm và hiện có mặt trên 91 quốc gia.
    Đừng quan tâm mô hình kinh doanh quá nhiều, hãy quan tâm xem chất lượng sản phẩm đến đâu, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng hay không.
    Chúc các bạn luôn thành công trong công việc, dù làm công việc gì, hãy làm hết mình, tìm hiểu thông tin đầy đủ nhất.Chúc các bạn sức khỏe, có sức khỏe, ta có thể làm được rất nhiều việc

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.